Hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Các chuyên gia đang lên tiếng báo động về an ninh nước ở Việt Nam.
Biểu đồ mức độ căng thẳng về nước các lưu vực sông trong mùa khô. Ảnh: Chuyên gia cung cấp
17,2 triệu người dùng nước không đạt chuẩn
Ngày 29.10, tại Hội thảo “An ninh nước vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, các chuyên gia đã lên tiếng báo động về tình trạng an ninh nước ở Việt Nam.
TS Đào Trọng Tứ- Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm là 80,6 tỷ m3/ 830 tỉ m3 (10% tổng lượng nước của cả nước.
Trong đó hơn 80% (khoảng 65 tỉ m3/năm) sử dụng cho nông nghiệp; nhu cầu dùng nước cho dân sinh, công nghiệp sẽ lên đến khoảng 130- 150 tỉ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỉ m3).
Nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.
Hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.
An ninh nguồn nước là mối đe dọa hàng đầu
TS Đào Trọng Tứ phân tích: Ở góc độ về quyền chủ động đối với nguồn nước, tài nguyên nước Việt Nam không phong phú, phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước ngoài biên giới.
Sự gia tăng dân số nhanh chóng, kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu khai thác và sử dụng nước cả nước mặt và nước ngầm cho dân sinh, kinh tế trong nước gia tăng, phát triển thủy điện ồ ạt và dày đặc trên tất cả các lưu vực sông gây nhiều vấn đề môi trường- nguồn nước- rủi ro khi thiên tai.
"Ô nhiễm nguồn nước do xả thải thiếu hoặc không kiểm soát diễn ra ở tất cả các lưu vực sông, gây ra tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm. Hơn nữa, việc phát triển và sử dụng nước các quốc gia thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế của Việt Nam đang không ngừng gia tăng, tạo thách thức ngày càng lớn đối với quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, hệ sinh thái"- TS Tứ cho hay.
Theo ông, tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và ngày càng tăng gây sức ép lên tài nguyên nước của Việt Nam. Đồng thời, việc quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân không ngăn chặn và đẩy lùi được suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước.
TS Phạm Văn Tân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho biết: Hiện nay chúng ta phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước.
"Sự cố ô nhiễm nước đầu nguồn sông Đà là một trong những vụ việc lớn nhưng không phải là hãn hữu ở Việt Nam. Câu chuyện bảo vệ nguồn nước đã đến lúc phải báo động mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Từ sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu đầu tháng 10.2019, các chuyên gia và các nhà quản lý ngành nước đã có những cảnh báo về an ninh nguồn nước và quy trình cấp nước an toàn ở Việt Nam hiện nay.
Dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho mối đe dọa an ninh nguồn nước là mối đe dọa hàng đầu.
Theo : THÙY LINH - LAODONG.VN